Sáng 30.7, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, BHXH TP.HCM và Liên đoàn Lao động TP.HCM phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề về giải pháp thúc đẩy mở rộng độ bao phủ người tham gia BHXH ở những nơi có quan hệ lao động trên địa bàn TP.HCM.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết tính tới tháng 6.2024, thành phố có hơn 2,5 triệu người tham gia BHXH (chiếm hơn 51% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng 2,09% (tăng hơn 52.000 người) so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền thu BHXH đạt hơn 43.000 tỉ đồng, tăng 7,93% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, việc phát triển người tham gia BHXH bắt buộc tại TP.HCM còn gặp nhiều thách thức. Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết sau Tết Nguyên đán 2024, thị trường lao động tiếp tục khởi sắc, nhiều doanh nghiệp đăng tuyển dụng số lượng lớn người lao động để bổ sung vào số nhân sự đã nghỉ việc hoặc nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc tuyển dụng lao động còn gặp một số khó khăn nhất định và điều này ảnh hưởng đến khả năng phát triển người tham gia.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát tại 300 doanh nghiệp đang hoạt động tại TP.HCM, có tới 18,67% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng, chủ yếu vì lao động không đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp (chiếm 68,66% tổng số lượt bình chọn); chế độ phúc lợi như tiền lương, tiền thưởng thấp (chiếm 20,9%); điều kiện làm việc như môi trường làm việc, an toàn lao động, chế độ quản lý… (chiếm 5,97%) và các lý do khác (chiếm 4,48%). Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, có 10 doanh nghiệp cắt giảm gần 20.000 lao động, nhiều người sang làm những công việc phi chính thức.
Ông Nguyễn Quốc Thanh cho hay hiện nay, số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN còn thấp so với kế hoạch được giao, trong khi đó, số tiền chậm đóng còn cao. Tính tới tháng 6.2024, số tiền nợ đóng BHXH tại TP.HCM là hơn 6.800 tỉ đồng. Sau khi trừ số tiền chậm đóng dưới 1 tháng và số chậm đóng khó thu thì tổng số tiền chậm đóng còn lại là hơn 4.476 tỉ đồng.
Theo danh sách của BHXH TP.HCM đăng công khai trên website cho thấy hiện có hơn 17.000 đơn vị chậm đóng BHXH từ 3 tháng trở lên. Trong đó, chậm đóng với số tiền nhiều nhất là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (chậm đóng 12 tháng với hơn 42,6 tỉ đồng).
Thời gian qua, BHXH TP.HCM đã chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương, đã xây dựng và triển khai kế hoạch công tác thanh tra kiểm tra năm 2024; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Cụ thể, BHXH TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra 917 đơn vị. Qua đó, ghi nhận các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng với tổng số tiền 176,3 tỉ đồng, số tiền khắc phục ngay thời điểm thanh tra, kiểm tra là 52 tỉ đồng. Ngoài ra, BHXH TP.HCM đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 42 đơn vị, trình ban hành 12 quyết định xử lý vi phạm hành chính với số tiền phạt là 346 triệu đồng, trong đó có 2 đơn vị bị xử phạt về hành vi trốn đóng.
Theo BHXH TP.HCM, có một hạn chế hiện nay đó là mặc dù đơn vị đã thực hiện đầy đủ các biện pháp theo thẩm quyền nhưng tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn xảy ra; các doanh nghiệp vi phạm vẫn không khắc phục. Nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp cố tình né tránh tiếp đoàn thanh tra nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu trong việc xử lý đơn vị cố tình vi phạm pháp luật.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm