8 giờ vật vã trên đường
Ngày Quốc khánh liền kề ngày nghỉ cuối tuần, nhiều công nhân, lao động được nghỉ liên tiếp 4 ngày. Nhằm tạo điều kiện cho người lao động về quê sum vầy bên gia đình, công ty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam (Đông Anh, Hà Nội), nơi chị Phạm Thị Hải làm việc cho phép người lao động nghỉ 5 ngày liên tiếp, đi làm trở lại từ ngày 5/9.
Ngay khi vừa kết thúc ca làm ngày 30/8, chị Hải đã lật đật về nhà dọn dẹp đồ đạc của bản thân và 3 con để mong nhanh chóng về quê.
Háo hức là vậy, song chị cũng ngán ngẩm với hành trình vượt 190km, nhiều đoạn ùn tắc từ Hà Nội về Hậu Lộc (Thanh Hóa) xuất hiện trong mỗi dịp lễ, Tết. Để tránh trường hợp phải bắt xe, chờ đợi, chị Hải quyết định “chơi lớn” khi thuê xe taxi riêng chở bốn mẹ con về quê.
Chị tính toán, nếu di chuyển bằng xe khách về quê, chị cũng phải chi số tiền tương đương vì gia đình đông người. Với quãng đường về quê, nữ công nhân ước tính sẽ tốn khoảng 3 triệu đồng cho 2 chiều đi taxi, bằng 1/3 thu nhập tháng của mình.
Nghĩ về số tiền đó cũng khiến chị tiếc nuối nhưng chị lại động viên bản thân rằng con cái sẽ có thêm thời gian quấn quýt bên ông bà.
20h30 ngày 30/8, xe taxi đỗ trước cổng nhà trọ, tài xế gọi réo rắt qua điện thoại. Chị nhanh nhảu hối thúc các con ra xe, tay khuân vác đồ đạc lỉnh kỉnh.
Thông thường, chị Hải mất khoảng 3 giờ để di chuyển để về đến nhà nhưng dịp lễ chị dự định sẽ mất thêm 2 giờ nữa. Tuy nhiên, xe vừa di chuyển được một đoạn thì mọi cửa ngõ từ thủ đô về quê chị đều ùn ứ, gần 2 giờ đồng hồ chị vẫn chưa ra khỏi thủ đô với trạng thái rất mệt mỏi vì say xe.
Thỉnh thoảng, thấy dòng xe chật kín, không thể di chuyển, chị Hải lại xin tài xế cho xuống xe để nôn vì không thể chịu nổi. Nữ công nhân cũng không biết mình đã xin tài xế dừng bao nhiêu lần nhưng mỗi lần xuống xe lên xe là một lần “nhớ đời” và chỉ ai say xe mới hiểu.
Lúc tỉnh, lúc mơ, cuối cùng chị đã về đến nhà khi đồng hồ điểm 3h ngày 31/8. Với những người xa quê như chị, di chuyển mỗi dịp lễ, Tết vô cùng vất vả, nhưng chuyến này đạt kỷ lục gấp 3 thời gian di chuyển thông thường.
“Tôi không nghĩ lại phải vật vã về quê như vậy dù đã đi taxi, không biết những người đi xe khách sẽ phải khổ sở thế nào. Chắc sau lễ tôi tranh thủ về thủ đô sớm rồi nghỉ ngơi một ngày trước khi đi làm chứ tiếp tục “hành xác” thêm 8 tiếng nữa thì hôm sau phải nghỉ làm”, chị Hải thở dài.
Đến nay, chị Hải đã có 18 năm gắn bó với công ty điện tử trong khu công nghiệp ở bộ phận kiểm soát chất lượng đầu vào. Mức lương chị nhận về 9-10 triệu đồng/tháng. Ba con của chị cũng theo mẹ học hành ở đây.
Mức lương không quá cao, song môi trường làm việc và các chế độ đãi ngộ của công ty khá tốt. Đó là lý do chị đã gắn bó gần hai thập kỷ với doanh nghiệp này.
Ý định đi gần 300km bằng xe máy
Nhớ ngày nào còn chân ướt chân ráo cầm hồ sơ xin việc từ Trùng Khánh, Cao Bằng về Bắc Giang, đến nay chị Nông Bích Ánh đã gắn bó với công ty điện tử được 4 năm.
Với mức lương cơ bản hơn 5 triệu đồng, cả tăng ca, có những tháng thu nhập của chị Ánh hơn 10 triệu đồng. Đơn hàng đều đặn, nữ công nhân có thể làm thêm để gia tăng thu nhập.
Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, nữ công nhân đã lựa chọn ở miễn phí trong khu ký túc xá của doanh nghiệp. Với thu nhập của mình, có những tháng Ánh có thể chắt chiu được 5 triệu đồng. Trong số tiền này, cô gửi một phần về cho bố mẹ ở quê nhà, còn lại để vào sổ tiết kiệm, tích lũy cho bản thân.
Dịp lễ Quốc khánh 2/9, chị được nghỉ 3 ngày, bắt đầu từ chủ nhật (1/9) đến hết thứ ba (3/9). Hôm nay, nữ công nhân vẫn miệt mài đến nhà máy làm việc.
Từ nơi làm việc về quê gần 280km, chị có ý định di chuyển về nhà bằng xe máy. Thông thường, nếu đi bằng xe khách chị sẽ tiêu tốn 350.000-400.000 đồng. Còn tự đi bằng phương tiện cá nhân chỉ mất chi phí bằng 1/3. Bên cạnh đó, nếu cảm thấy mệt mỏi, chị có thể nghỉ ngơi, ăn uống ở dọc đường.
Tuy nhiên, chị Ánh cho biết, mình là phụ nữ, đi lại quãng đường quá xa cũng rất nguy hiểm. Chính vì vậy, chị đang phân vân không biết nên về hay ở lại công ty để nghỉ ngơi, rảnh rỗi có thể làm thêm dịp lễ tăng thu nhập.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm